Trang chủ » Giải trí » Hậu trường
30 Tháng Năm, 2023 10:46 sáng

Vợ đi XKLĐ nuôi chồng con, 8 năm sau về phát hiện sổ đỏ nhà 7 tỷ thiếu tên mình, ly dị thì 2 con đòi theo bố

Gần chục năm trời tha phương xứ người kiếm tiền gửi về nuôi cả nhà, giờ về nước mới biết mình trắng tay. Quá thất vọng, chị muốn ly hôn thì 2 đứa con kiên quyết đòi theo bố vì “trong ký ức không có mẹ”.

Đó là một câu chuyện khá buồn mà tôi đọc được trên phunuphapluat.nguoiduatin.vn vào sáng nay. Thấy có nhiều điều rất đáng suy ngẫm nên muốn chia sẻ lại để mọi người cùng bàn luận và rút kinh nghiệm. Bởi tôi biết rằng trong xã hội này và trong những mái ấm gia đình bất kỳ, luôn tiềm ẩn những câu chuyện, những nỗi niềm mà đôi khi người trong cuộc không thể lường trước hoặc đang phải chịu đựng. Sẽ rất đáng tiếc nếu chính mình chưa biết tự bảo vệ và tự thương lấy mình!

Câu chuyện là bài tâm sự dài của một người vợ đi xuất khẩu lao động suốt 8 năm ròng: “Lấy chồng được 5 năm và có 2 đứa con, khi đứa đầu được 4 tuổi, đứa thứ 2 được 2 tuổi thì vợ chồng tôi bàn nhau phải có một người đi làm ăn xa thì mới có kinh tế nuôi con và có chút vốn liếng cho tương lai. Chính vì thế, tôi nói với chồng là mình sẽ đi xuất khẩu lao động, cụ thể là làm giúp việc ở nước ngoài, nghe đâu mức lương cũng hậu hĩnh hơn nhiều công việc khác…”.

Người chồng trẻ chấp nhận cho vợ đi làm còn mình ở nhà chăm hai con nhỏ. Lúc đó, nhiều người trong gia đình (nhất là mẹ chồng) đã ra sức cản ngăn quyết định của họ với lý lẽ kiếm tiền là việc của đàn ông, tề gia nội trợ mới là việc của đàn bà, hơn nữa hai đứa con còn rất bé nên sống xa mẹ trong thời gian quá dài như vậy sẽ là thiệt thòi lớn đối với sự phát triển tâm sinh lý của các con.

Tuy nhiên, sau khi cân nhắc rằng công việc qua môi giới yêu cầu là nữ và được trả lương hậu hĩnh thì họ vẫn chốt chị vợ sẽ xuất ngoại 5 năm để làm kiếm tiền trả nợ và để dành chút vốn làm ăn. Tuy nhiên người tính không bằng trời tính, sau 5 năm làm giúp việc nơi xứ người, chủ nhà muốn chị vợ ở lại làm thêm 3 năm nữa. Thế là suốt thời gian dài, chị ấy chịu cực khổ, chịu nỗi nhớ nhà, nhớ chồng con da diết… để có tiền gửi về cho chồng nuôi con và dành dụm. Chị cũng kể là suốt 8 năm đó, chị chỉ được về nước thăm con được 3 lần.

Đầu năm nay, người vợ kết thúc công việc và vui mừng trở về nước đoàn tụ gia đình, bắt đầu một cuộc sống mới hứa hẹn sáng sủa hơn, đỡ vất vả hơn. Thế nhưng cuộc đời này chưa bao giờ đơn giản như trong mộng tưởng của chị: “Tháng 1/2023 vừa qua là hết hạn làm việc của tôi ở nước ngoài, tôi háo hức trở về với gia đình thì biến cố cũng bắt đầu xảy đến với tôi.

Tưởng chừng như khi đã có tiền, gia đình sẽ hạnh phúc viên mãn hơn… nhưng lại không. Mọi chuyện bắt đầu từ cuốn sổ đỏ của gia đình. Tôi phát hiện ra cuốn sổ đỏ của căn nhà 7 tỷ chỉ có tên chồng ở đó mà không có tên tôi đứng cùng dù trước đó nhiều lần chồng đã điện sang nước ngoài nói tôi gửi hồ sơ để cùng đứng tên sổ đỏ nhà đất…“.

Nói chung, những vấn đề liên quan đến tài sản chung riêng của vợ chồng luôn là đề tài nhạy cảm và nhận được sự quan tâm của người trong cuộc lẫn người xung quanh. Trong hôn nhân, ai chẳng muốn bình đẳng, chẳng muốn công sức đóng góp của mình được ghi nhận, chỉ có như vậy thì mới an tâm mà sống cùng nhau, nuôi dưỡng con cái. Còn một trong hai có mưu mô, mánh khóe gì thì theo tôi, sớm muộn cuộc hôn nhân đó cũng sẽ có vết rạn nứt mà thôi.

Lại nói về người vợ trong câu chuyện trên, chị bị sốc khi biết chuyện về cuốn sổ đỏ nên có hỏi thẳng lý do. Rằng vì sao mình gửi tiền về nuôi chồng con và gửi tiền xây lên ngôi nhà, chịu đựng cuộc sống cực khổ với bao nhớ nhung, hy sinh cho gia đình nhiều đến vậy mà không được đứng tên căn nhà cùng chồng. Ban đầu, anh chồng ấp úng nhưng sau đó đã thú thật là do miếng đất này mẹ anh chỉ muốn cho riêng con trai bà chứ không muốn con dâu có phần trong đó nên sổ đỏ chỉ có mình anh được đứng tên.

Không chấp nhận được lối hành xử này của nhà chồng, chị đòi chồng đi làm thủ tục để mình cũng được đứng tên trong sổ vì thực sự gần chục năm qua, chị đã gửi tiền về nuôi chồng con và góp tiền xây nhà. Nhưng mẹ chồng biết được đã phản đối đến cùng, còn chê tiền chị góp xây nhà chẳng được bao nhiêu, nếu chị làm căng thì họ trả tiền cho chị chứ nhất quyết không cho làm lại giấy tờ.

Đứng trước bờ vực ly hôn, người vợ dù không mong muốn cũng chẳng thể làm khác vì lúc này phía nhà chồng thái độ ra mặt, lấy nhiều lý do về ngoại hình, cách sống của con dâu để bắt phải ly hôn. Thậm chí có nguồn tin từ họ hàng cho biết trong những năm tháng vợ đi làm xa thì anh chồng đã có đối tượng để sẵn sàng tái hôn. Đúng là phụ nữ tin tưởng quá, hi sinh quá nhưng trong trường hợp này nhận về chỉ là sự bạc bẽo từ chồng và cả nhà chồng.

Người ta hay nói, đối với phụ nữ thì người quan trọng nhất vẫn là người sinh ra họ và người họ sinh ra. Vì vậy, nếu hôn nhân không hạnh phúc thì ly hôn cũng chẳng sao, chỉ cần còn con cái bên mình là còn hạnh phúc an ủi. Đau lòng thay, trong sự việc của người phụ nữ đi xuất khẩu lao động trên đây thì không được như vậy.

Chị và chồng có với nhau hai mặt con, một trai và một gái. Chị muốn nuôi cả hai bé nhưng nhà chồng đòi nuôi bé trai còn bé gái để chị nuôi. Mọi người khuyên nên để hai con quyết định sẽ ở với ai. Trước lời khuyên này, chị có hỏi dò ý kiến của các con và nhận được câu trả lời rằng chúng đều muốn ở cùng bố:

“Các con nói rằng trong suốt những năm tháng đầu đời người mà chúng biết đến, ở bên cạnh chúng từ miếng ăn, giấc ngủ và xuất hiện trong mọi sự kiện trọng đại của chúng chỉ có bố mà thôi. Khái niệm về mẹ với chúng chỉ là qua 3 lần về chóng vánh của tôi, qua những cuộc gọi điện thoại không đầu không cuối và những bức ảnh “vô hồn”. Chính vì thế, đối với chúng bố là tất cả…”.

hình ảnh

(Ảnh minh họa: MP, unicef)

Đối với một người mẹ, còn gì đau lòng hơn khi vắt kiệt tâm sức vì gia đình, vì các con để rồi đổi lại là sự lạnh lùng, không được bất cứ ai ghi nhận kể cả những đứa con mình dứt ruột sinh ra. Trên thực tế, trẻ em thường quấn hơi mẹ, nếu chọn chỉ ở bên một trong hai bố hoặc mẹ thì chúng thường sẽ chọn mẹ. Tiếc là 8 năm trời tha phương xứ người khiến hai đứa con quên mất hơi mẹ, cho rằng mẹ ham tiền nên mới bỏ đi lâu như vậy.

Có lẽ chúng như đàn gà mới nở, “trong ký ức không có mẹ”, ai kề cận chúng nhiều hơn là nghiễm nhiên được xem là người tốt hơn, yêu thương chúng hơn. Suy cho cùng thì con nít không có tội, có chăng là sơ suất, sai lầm của người lớn mới khiến sự việc ra nông nỗi như ngày hôm nay.

Hiện tại đã gần nửa năm, sắp tới ngày diễn ra phiên tòa nhưng người vợ đáng thương vẫn không thể nào khuyên nhủ các con về sống với mình. Đối với chúng, bố và nhà nội mới là gia đình thực thụ. Chị đau lòng nên chia sẻ tâm sự như vậy khiến cá nhân tôi đọc xong cũng hết sức đồng cảm. Cùng là phụ nữ với nhau, tôi thương vì chị đã phải chịu nhiều cực khổ, ấm ức để hi vọng tổ ấm của mình sáng sủa hơn. Thế nhưng đổi lại chỉ là sự phũ phàng. Trách người tham lam, thay lòng đổi dạ, cạn tàu ráo máng mà cũng thấy trách cả phần của chị ấy nữa.

Tôi trách sao chị sống quá thật thà, đặt niềm tin quá lớn mà không có chút phòng bị, chừa đường lui cho mình. Cũng trách chị ham công tiếc việc, nôn nóng có nhiều tiền mà đánh đổi một quãng thời gian quá dài nơi xứ người. Nếu là tôi, bất đắc dĩ phải đi làm xa thì tôi sẽ ấn định một quãng thời gian cụ thể rồi tranh thủ về với chồng với con. Bởi tiền bạc ít có thể kiếm thêm, chứ đàn ông xa vợ gặp bao nhiêu cám dỗ, con cái xa mẹ trong những năm đầu đời sẽ thiếu vắng tình thương mà sau này dù giàu cách mấy cũng không thể nào bù đắp cho con được…

Nói thế thôi, dẫu sao chuyện cũng đã xảy ra rồi. Hi vọng rằng phiên tòa sắp tới sẽ phân định thật hợp tình hợp lý để người xứng đáng được hưởng ân huệ, người không tốt phải trả giá cho hành động của mình. Hoặc biết đâu những người trong cuộc kịp thời thức tỉnh về hành vi của mình mà tự động thay đổi. Xem như đây là bài học để tất cả chúng ta suy ngẫm, biết cách bảo vệ quyền lợi bản thân và giữ gìn hôn nhân của mình thật hạnh phúc.

Tin Liên Quan
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM