Trang chủ » Đời sống
24 Tháng Năm, 2023 12:25 chiều

Xét tuyển Y khoa bằng điểm Văn: Lẽ nào không giỏi Văn thì không có lòng trắc ẩn, không thương người

Việc 4 trường đại học tư thục đưa môn Văn vào để đa dạng tổ hợp xét tuyển, phục vụ cho chiến lược tuyển sinh đã gây ra những phản ứng trái chiều từ người trong ngành lẫn ngoài ngành.

Theo lệ thường, các tổ hợp truyền thống gồm Toán, Hóa, Sinh hoặc Toán, Lý, Hóa sẽ được đưa vào để tuyển sinh đầu khóa ở các trường đại học có đào tạo Y khoa.

Đây đều là những môn học phù hợp và cốt lõi với ngành Y từ đầu vào, trong đó môn Sinh là môn căn bản. Nhưng nay, tuyển sinh Y khoa lại có thêm tổ hợp “lạ”.

Gần đây, nhiều người bàn tán khi xuất hiện những tổ hợp mang tính “đột phá”, đưa môn Ngữ Văn vào xét tuyển Y khoa nhằm phục vụ cho chiến lược tuyển sinh. Theo phân tích, nếu là tổ hợp truyền thống, các trường tư có chương trình đào tạo Y khoa sẽ khó có thể cạnh tranh với các trường Y khoa danh tiếng vốn có truyền thống lâu đời khác.

Thông tin này chắc chắn đã khiến quý phụ huynh có con đang dự tuyển vào đại học phải chú ý, nhất là khi con có nguyện vọng theo ngành Y.

Vậy 4 trường tư đưa môn Văn vào tổ hợp xét tuyển mới gồm những trường nào? Lý do gì phải là môn Văn trong một tổ hợp mới được đưa vào xét tuyển?

Các tổ hợp của 4 trường chọn lấy điểm Văn xét tuyển Y khoa

Theo như em đọc được từ bài viết Xét tuyển Y khoa bằng điểm Văn gây phản ứng trái chiều trên Vnexpress thì trong 27 trường đại học được cấp phép đào tạo Y khoa ở Việt Nam, hiện tại có 4 trường đưa môn Văn vào tổ hợp môn xét tuyển Y khoa, gồm: Trường Đại học Tân Tạo (Long An); Trường Võ Trường Toản (Hậu Giang); Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) và Trường Đại học Văn Lang (Tp.HCM).

Cụ thể các tổ hợp xét tuyển gồm các môn/ tổ hợp môn như sau:

hình ảnh

Như vậy có thể thấy các trường vẫn giữ những môn quan trọng của Y khoa như Toán, Sinh và các tổ hợp môn Khoa học tự nhiên gồm Lý, Hóa, Sinh và tổ hợp môn mới xuất hiện sẽ được thêm vào môn Văn. Một số tổ hợp môn thậm chí còn bỏ hẳn môn Sinh ra khỏi tổ hợp môn. Riêng môn Tiếng Anh xuất hiện trong các tổ hợp này đã từng là đề tài bàn luận sôi nổi từ năm trước.

Các đại diện trường lý giải ra sao về việc đưa môn Văn vào tổ hợp môn xét tuyển Y khoa?

Trước khi bàn về lý do vì sao tuyển Y khoa lại xét điểm Văn, cần nói rõ rằng Luật Giáo dục đại học cho phép các trường tự quyết định, chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh. Theo Quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường có thể tự chọn môn trong tổ hợp xét tuyển, miễn là mỗi tổ hợp có tối đa ba bài thi.

Lý do môn Văn được chọn vào tổ hợp xét tuyển được lý giải là bởi lập luận cho rằng thầy thuốc cần có khả năng diễn đạt, cảm thông và có lòng trắc ẩn khi tiếp xúc với bệnh nhân. Người học tốt môn Văn được cho là có những điều kiện phù hợp để đáp ứng những đòi hỏi này.

Em đọc được trên Vnexpress, theo Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng thường trực trường Đại học Duy Tân thì từ năm 2022, sau khi tham khảo ý kiến của nhà tuyển dụng và kinh nghiệm đào tạo, trường đã đưa môn Văn vào tổ hợp xét tuyển ngành Y khoa. Cũng theo vị này, hiện nay các lãnh đạo bệnh viện đều mong muốn tuyển được người vừa giỏi chuyên môn vừa biết cảm thông, chia sẻ với người bệnh. Hơn nữa đây cũng là nhu cầu của người dân khi đến khám chữa bệnh tại bệnh viện. Ông bày tỏ quan điểm: “Văn là người. Người học giỏi Văn thường dễ đồng cảm, sẻ chia và giàu lòng trắc ẩn. Tôi cho rằng tổ hợp Toán, Khoa học tự nhiên và Văn đánh giá khá toàn diện khả năng của thí sinh”.

Lấy dẫn chứng, ông cho biết trường đã xét tuyển bằng ba tổ hợp có môn Văn đối với ngành Điều dưỡng. Sau khi ra trường, sinh viên được nhà tuyển dụng đánh giá phù hợp, bắt nhịp nhanh, hoàn thành tốt công việc.

Cùng đưa ra quan điểm để lý giải việc đưa môn Văn vào tổ hợp xét tuyển Y khoa, Tiến sĩ Nguyễn Hùng Vĩ, Trưởng khoa Y, trường Đại học Văn Lang cho rằng với đòi hỏi ngày càng cao của xã hội, ngoài chuyên môn bác sĩ cần có thái độ tốt, khả năng lắng nghe và chia sẻ. Vì thế mà, theo ông “những tố chất của người học giỏi môn Văn rất cần thiết cho công việc này.”

Trước những lý giải này, từ người trong ngành đến người ngoài ngành, không phải ai cũng đồng tình bởi riêng với ngành có đặc thù như ngành Y, tính cốt lõi của kiến thức chuyên môn và năng lực của người hành nghề là điều rất cần được chú trọng. Bởi thế, có không ít người đưa ra quan điểm ngược lại.

Vì sao môn Văn đưa vào tổ hợp xét tuyển Y khoa được cho là không hợp lý?

Vì chiến lược xét tuyển ngành Y khoa tại các trường tư thục mà đưa môn Văn vào tổ hợp môn xét tuyển, theo các bác sĩ và giảng viên Y khoa là không hợp lý.

Về ý kiến của người làm chuyên môn, em đọc được trên Vnexpress, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP HCM chia sẻ rằng tố chất quan trọng nhất của người học y là sự chính xác, logic, bên cạnh nền tảng kiến thức Sinh học tốt. Theo ông, lòng trắc ẩn, sẻ chia là kết quả của quá trình giáo dục lâu dài từ nhà trường, gia đình, xã hội chứ không phải ai giỏi Văn thì thương người hơn và “những bác sĩ trước đây không giỏi Văn lẽ nào không thương người?”

Cùng quan điểm, một bác sĩ đa khoa từng tốt nghiệp tại Đại học Y Hà Nội nói: Y khoa là ngành khoa học đòi hỏi tính chính xác cao nên điều kiện đầu tiên là phải có kiến thức khoa học tự nhiên tốt nên “không phải cứ giỏi Văn thì mới phân tích, giải thích tốt được.”

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn: mc.ntu.edu

Trong khi đó, nhiều người ngoài ngành cũng không đồng tình với lập luận “giỏi Văn mới có lòng trắc ẩn hay giỏi Văn mới thương người” bởi đặc thù của ngành Y là quá rõ.

hnn25: “Y bác sĩ chuyên môn phải đặt lên hàng đầu. Còn giỏi Văn lương tâm họ có tốt hay không còn chưa chắc. Trường phải đào tạo kĩ năng mềm cho sinh viên.”

H.P.N: “Nhầm lẫn giữa kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp. Đầu vào nên tập trung vào kiến thức chuyên môn. Kỹ năng nghề nghiệp thì có thể tự đào tạo sau. Tư duy của các bạn giỏi văn và giỏi toán là khác nhau. Bác sĩ nên logic, rõ ràng, chứ không nên bay bổng như mấy ông nhà thơ nhà văn được. Tôi mà đi khám bệnh thì sẽ hỏi “ngày xưa bác sĩ thi đại học dùng tổ hợp nào thế?”

msg: “Tôi không đồng ý đưa môn Văn vào để xét tuyển ngành Y. Học Y cần có tính nghiên cứu khoa học chứ không cần văn vẻ mơ mộng làm gì. Đâu phải giỏi văn thì sẽ có tâm có đức đâu.”

dtq: “Y dùng môn Văn mà không dùng môn Sinh nghe hài quá. Chắc sau này phẫu thuật theo thơ với văn. Dùng các môn Toán, Hóa, Sinh tuyển là chuẩn… Ngành y liên quan đến tính mạng con người vì vậy để có chất lượng nên để các trường có đủ năng lực đào tạo, không đào tạo tràn lan, không tại chức chuyên tu, không liên thông.”

VVL: Tôi rất lo lắng cho thế hệ bác sĩ mới này. Cần phải chấm rứt ngay việc tuyển sinh này không hệ quả 10 năm sau sẽ rõ. Việc các trường Y dược tăng học phí nhiều lần đã hạn chế rất nhiều con nhà không khá giả đi học, kèm với việc tuyển sinh kiểu này, hậu quả cho xã hội sẽ rất nặng nề. Cần nhận thức thật đúng đắn của các nhà quản lý giáo dục. Chăm sóc sức khỏe cho người dân cần xây dựng con người bác sĩ, dược sĩ không quá thực dụng và vụ lợi. Việc tăng học phí và tuyển sinh với các môn không giống ai sẽ chỉ đào tạo được bác sĩ nhiều tiền (có tiền mới đi học, đi học để kiếm nhiều tiền). Bác sĩ sẽ không chịu được khổ, không chịu được vất vả. Như vậy sẽ rất nguy.”

ppt: “Tổ hợp môn Y khoa mà thiếu môn Sinh học thì có khác gì tuyển sinh giáo viên sư phạm tiếng Anh mà không xét tuyển môn tiếng Anh đâu. Theo tôi, Sinh vẫn phải là môn mà bất cứ ai học y cũng đều phải giỏi. Phải thế thì mới không đùa trên tính mạng con người được.”

Trên thực tế, Văn thuộc tổ hợp môn xã hội, còn các môn dùng để xét tuyển trong Y khoa lại gắn với khoa học tự nhiên. Việc chọn tổ hợp có môn Văn sẽ khó chọn được nhiều thí sinh trúng tuyển vì các em được định hướng học tổ hợp môn từ đầu cấp 3 sẽ rất khó để vừa giỏi các môn khoa học tự nhiên vừa giỏi cả các môn khoa học xã hội. Như vậy, nếu nói đưa môn Văn vào tổ hợp môn xét tuyển Y khoa để tuyển được số lượng sinh viên nhiều hơn thì càng luẩn quẩn.

Về vấn đề này, các phụ huynh có ý kiến gì?

Tin Liên Quan
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM