Trang chủ » Đời sống
2 Tháng Sáu, 2024 9:31 sáng

Phó Chủ tịch Quốc hội: Việc hợp nhất các đơn vị nghệ thuật vào Trung tâm văn hóa đã phát sinh những bất cập

Chiều 1/6, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 – 2023” làm việc với các Bộ phụ trách ngành, lĩnh vực văn hóa, giáo dục và cơ quan có liên quan, gồm: Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Thông tin và Truyền thông; Đài truyền hình Việt Nam.

Phó Chủ tịch Quốc hội: Việc hợp nhất các đơn vị nghệ thuật vào Trung tâm văn hóa đã phát sinh những bất cập - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi làm việc

Làm rõ nội dung liên quan đến việc sáp nhập các đoàn nghệ thuật

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 – 2023” do Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập Đoàn giám sát từ tháng 8/2023 và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết vào tháng 8/2024.

Thời gian qua, Đoàn giám sát đã làm việc khẩn trương, xây dựng các đề cương báo cáo, yêu cầu 63 tỉnh, thành phố, các bộ, ngành, cơ quan liên quan gửi báo cáo. Đoàn giám sát cũng làm việc với 9 tỉnh, thành phố trong cả nước, các địa phương cũng đặt nhiều câu hỏi đối với các bộ, ngành.

Buổi làm việc nhằm làm rõ các nội dung trong báo cáo, bổ sung thông tin cần thiết, qua đó nhận rõ tình hình sắp xếp đơn vị hành chính theo Nghị Quyết 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và các văn bản pháp luật của Nhà nước trong thời gian qua về ưu điểm, nhược điểm, kết quả, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm…

Phó Chủ tịch Quốc hội: Việc hợp nhất các đơn vị nghệ thuật vào Trung tâm văn hóa đã phát sinh những bất cập - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh

Tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh – Phó Trưởng Đoàn giám sát đã trình bày dự kiến các nội dung làm việc, trong đó nêu rõ các nội dung chung Đoàn giám sát đặt ra đối với 03 Bộ. Đoàn giám sát đề nghị các Bộ phân tích, làm rõ những phương hướng, giải pháp để việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc và thuộc lĩnh vực mình quản lý.

Đề nghị các Bộ đánh giá hiệu quả của việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc và thuộc lĩnh vực mình quản lý, làm rõ những nhóm đơn vị sự nghiệp công lập sau sắp xếp phát huy được hiệu quả trong việc cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân; những nhóm đơn vị sự nghiệp công lập sau sắp xếp đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động;

Đối với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đoàn giám sát, thành viên Đoàn giám sát đề nghị làm rõ nội dung liên quan đến việc sáp nhập các đoàn nghệ thuật, việc hợp nhất trung tâm văn hóa và đoàn nghệ thuật cấp tỉnh thành một đầu mối; Làm rõ kết quả đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thực hiện xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công; Chưa có hướng dẫn đầy đủ vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung và vị trí việc làm là thư viện trong trường học…

Phối hợp giải quyết vướng mắc về mặt pháp lý để có nguồn nhân lực tốt, sự phát triển đồng đều

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các bộ, đơn vị liên quan đã giải trình và thông tin về một số vấn đề Đoàn giám sát và thành viên Đoàn giám sát nêu. Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông giải trình với Đoàn giám sát về vấn đề quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 hiện đã trình Chính phủ, dự kiến sẽ trình Chính phủ ký ban hành trong thời gian tới. Đối với việc sắp xếp các chức danh quản lý, vấn đề này đã tiến hành phân cấp, do địa phương quyết định, Bộ chỉ hướng dẫn khi địa phương yêu cầu.

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng đã có hướng dẫn cụ thể về chuyên môn để các tỉnh, thành phố khi tiến hành sáp nhập các trường nghệ thuật, đơn vị nghệ thuật, trong đó nêu rõ những thuận lợi, khó khăn, những vướng mắc có thể xảy ra sau khi sáp nhập để các địa phương có quyết định tùy vào điều kiện thực tế địa phương.

Phó Chủ tịch Quốc hội: Việc hợp nhất các đơn vị nghệ thuật vào Trung tâm văn hóa đã phát sinh những bất cập - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông giải trình với Đoàn giám sát

Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng báo cáo với Đoàn giám sát về kết quả, những khó khăn trong xử lý đất đai sau sáp nhập, về sáp nhập đoàn nghệ thuật đã gây những lãng phí, về chuyên môn, kinh phí, nhân sự nếu tiến hành sắp xếp cơ học… Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho rằng, để thực hiện mục tiêu theo Nghị quyết 19-NQ/TW cần sự đồng lòng, dốc sức của lãnh đạo các địa phương, các cơ quan trung ương quan tâm đến tính đặc thù của lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật để có giải pháp phù hợp.

“Đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp giải quyết vướng mắc về mặt pháp lý để có nguồn nhân lực tốt, sự phát triển đồng đều, phục vụ xây dựng văn hóa con người Việt Nam trong giai đoạn tới” – Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho biết, việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được thực hiện cơ bản tốt, đáp ứng yêu cầu Nghị quyết 19-NQ/TW. Tính đến ngày 31/12/2023, tổng số các đơn vị sự nghiệp công lập là 57 (giảm 10 đơn vị so với trước khi sắp xếp, đạt 14,9%; tinh giảm biên chế cũng đạt mục tiêu đề ra; chi thường xuyên giảm trên 20%. Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, việc thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW thời gian tới sẽ gặp khó khăn do có một số đơn vị đặc thù, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị giữ lại, không tiến hành sắp xếp.

Đối với các cơ sở giáo dục đào tạo trên cả nước thuộc phạm vi quản lý của ngành, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nêu rõ, giai đoạn 2015-2021 tổng số đơn vị sự nghiệp công lập giảm gần 9,88%. Với vai trò quản lý nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản hướng dẫn sắp xếp cơ sở, đội ngũ nhà giáo, tuy nhiên, giai đoạn tới dự báo việc sắp xếp, tinh gọn đầu mối sẽ gặp nhiều khó khăn. Bởi nếu tiếp tục thực hiện giảm 10% đầu mối, giảm 10% biên chế, giảm 10% ngân sách, trong khi dân số mỗi năm tăng gần 1 triệu, số học sinh tăng 400-500 nghìn. Thứ trưởng cho rằng không thể giảm số trường lớp và giáo viên, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và công bằng trong tiếp cận giáo dục.

Việc sáp nhập các đơn vị nghệ thuật truyền thống ở địa phương và hợp nhất các đơn vị nghệ thuật vào Trung tâm văn hóa thành một đầu mối đã phát sinh những bất cập

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định – Trưởng Đoàn giám sát nêu rõ, các ý kiến phát biểu tại buổi làm việc cơ bản đánh giá cao và ghi nhận sự cố gắng, chủ động, nghiêm túc, trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông và Đài Truyền hình Việt Nam trong tổ chức triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng về đơn vị sự nghiệp công lập, trọng tâm là Nghị quyết số 19-NQ/TW, về tham mưu, ban hành và triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về đổi mới tổ chức, quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Phó Chủ tịch Quốc hội: Việc hợp nhất các đơn vị nghệ thuật vào Trung tâm văn hóa đã phát sinh những bất cập - Ảnh 4.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại buổi làm việc

Đối với lĩnh vực văn hóa, thể dục, thể thao, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, việc sáp nhập các đơn vị nghệ thuật truyền thống ở địa phương và hợp nhất các đơn vị nghệ thuật vào Trung tâm văn hóa thành một đầu mối đã phát sinh những bất cập khiến nhiều địa phương lúng túng trong quản lý, các đơn vị khó khăn trong hoạt động. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ có quan điểm rõ ràng, có đề xuất, kiến nghị cụ thể đối với vấn đề này.

Đối với giáo dục mầm non, phổ thông: Việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông được thực hiện bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật, bảo đảm linh hoạt nhưng vẫn có tính kế thừa, ổn định lâu dài và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, tạo thuận lợi cho nguời dân cũng như bảo đảm nâng cao chất lượng.

Tuy nhiên, việc quản lý ngành, lĩnh vực gắn với địa giới hành chính còn thiếu tính khoa học, chưa gắn với quy mô phát triển dân số dẫn đến tình trạng thiếu trường, thiếu lớp, thiếu đất cho xây dựng trường học, đặc biệt là ở các thành phố lớn; một số địa phương thu gọn các điểm trường, sáp nhập trường một cách cơ học, hiệu quả chưa cao; sau khi sắp xếp, quy hoạch lại các điểm trường, tại một số địa phương chưa tạo thuận lợi cho học sinh đi học…/.

Tin Liên Quan
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM