Trang chủ » Đời sống
1 Tháng Mười Hai, 2023 2:53 chiều

Hiếu thảo bố mẹ chồng hơn bố mẹ đẻ, con dâu tủi hờn bị đuổi khỏi nhà sau 1 năm chồng mất: Chỉ cầm di ảnh mà đi

Hết lòng đối đãi với bố mẹ chồng, thậm chí còn tốt hơn với bố mẹ ruột, nàng dâu cay đắng bị đuổi ra khỏi nhà sau khi chồng chẳng may mất vì tai nạn. 

Đó là câu chuyện hy hữu mà mình vừa đọc được trên trang ngoisao.vn và cảm thấy có nhiều suy nghĩ xen lẫn, có chút đồng cảm, có chút tức giận, ấm ức thay cho người phụ nữ kém may mắn. Tưởng chừng trao đi tình thương, lòng hiếu thảo rồi sẽ nhận về điều tử tế, nàng dâu khó ngờ bị chính bố mẹ chồng đuổi ra khỏi nhà.

“Nghĩ sao cay đắng và tủi nhục vậy không biết”, con dâu mở đầu dòng tâm sự.

Cụ thể, bố mẹ của người chồng quá cố đưa ra lý do là con dâu nên “đi thêm bước nữa” và phải ra khỏi nhà với 2 đứa con trai nhỏ.

“Chồng mình là con trai út. Hồi trước cưới, bố mẹ chồng nói riêng với vợ chồng mình: Hai đứa ngoan ngoãn, hiền lành. Bố mẹ thích ở với hai đứa hơn. Còn vợ chồng anh K chị N (vợ chồng anh trai chồng mình, đang ở cùng bố mẹ chồng mình lúc đấy), bố mẹ cho hai đứa nó ra ở riêng. Còn hai đứa ở chung với bố mẹ thì có trách nhiệm với cái nhà này. Mọi việc tùy do hai đứa. Còn anh chị ra ở riêng rồi, thì coi như chúng nó là khách về chơi nhà thôi.

Lúc đấy cứ nghĩ là ông bà yêu thương vợ chồng mình. Ông bà cho anh trai chị dâu chồng mình 1 nhà 4 tầng, 1 xe mới toanh, và thêm ít vốn làm ăn.

Về phần vợ chồng mình, từ tiền lo đám cưới, 1 tay chồng mình lo hết. Về nhà, mọi thứ, cũng đều là vợ chồng mình tự làm tự lo”, nàng dâu chia sẻ.

hình ảnh

(Ảnh minh họa: Sohu)

Trong 8 năm sống chung với bố mẹ chồng, cô chăm chỉ, khéo léo thu vén nhà cửa, cơm nước đủ đầy cho cả nhà. “Không dám bỏ nấu bữa nào. Có đi đâu thì mình cũng nấu từ trước cho ông bà. Rồi khi ông bà ốm đau, một tay vợ chồng mình lo liệu. Tiền đau ốm, thuốc thang, đưa cơm đưa nước, trông ngày trông đêm ông bà trong viện, một tay 2 đứa lo hết. 

Còn vợ chồng anh trai lớn, chỉ ghé qua thăm, hộp sữa túi bánh. Ngày lễ, tết, giỗ, một tay mình đi chợ, nấu cơm, cúng bái, dọn dẹp. Vợ chồng anh trai lớn, chỉ về ăn, rồi đi. Không phụ giúp mình làm cơm hay rửa bát gì hết. Vợ chồng mình vẫn vui vẻ, không nề hạ, so bì, tị nạnh gì cả. Mình vẫn chu toàn mọi việc nhà cửa, coi ông bà như bố mẹ đẻ. Ông bà đi đâu cũng khen vợ chồng mình, khen mình là đứa con dâu ngoan. Vậy mà…”, nàng dâu ấm ức kể.

Có thể thấy, cô này đã hết lòng đối đãi tử tế với bố mẹ chồng, lấy chữ hiếu để xem họ như bố mẹ ruột của mình. Đến khi biến cố chẳng may ập đến, người chồng của cô qua đời vì tai nạn cũng là lúc nàng dâu chua chát, cay đắng khi thấy nhà chồng đối đãi với mình chẳng khác gì “bát nước lã”.

“Năm ngoái, chồng mình mất vì tai nạn. Một nách hai đứa con còn nhỏ, đứa thứ hai chưa được 1 tuổi. Mình đau đớn, vật vã. Đến tận bây giờ, không ngày nào là không ướt gối vì nhớ chồng. Thế giới xung quanh mình sụp đổ, mình muốn theo chồng… Nhưng nhìn hai đứa con còn nhỏ xíu, mình lại gồng lên, gạt nước mắt mà đi làm, rồi chăm con, chăm cả bố mẹ chồng. Vẫn chu toàn mọi việc nhà cửa, bếp núc. Nhiều lúc muốn kiệt sức. Nhưng may có nhà ngoại ở gần, hai đứa con còn đỏ hỏn được ông bà ngoại, vợ chồng anh trai chị dâu mình thương yêu. 

Nhiều hôm cơm nước xong cho bố mẹ chồng, mãi 8-9 giờ tối mới lóc cóc đi đón con về ngủ. Không ngày nào là không khóc… Mình vẫn đối xử tử tế với bố mẹ chồng, ông bà vẫn nói thương mình, vẫn khen ngợi với họ hàng làng xóm, là có đứa con dâu ngoan…

Vậy mà, vừa mới qua giỗ đầu chồng mình được 1 tuần, đứa thứ hai còn chưa được sinh nhật 2 tuổi, ông bà gọi mình nói chuyện. Bà bảo: “Con về làm dâu bố mẹ, bố mẹ chưa chê trách gì con. Nay chồng con mất, con còn trẻ, hai đứa con còn nhỏ, con vẫn có thể đi thêm được bước nữa. Bố mẹ cho hai đứa T và D (con mình), mỗi đứa 100 triệu, đủ cho chúng nó ăn học hết đại học. Còn nhà này, bố mẹ để lại cho anh K chị N (vợ chồng anh trai chồng mình) về lo thờ cúng”.

Mình sốc, thực sự sốc. Mình không hề làm gì sai trái, có lỗi với ông bà, chăm sóc ông bà hơn cả bố mẹ đẻ. Bố mẹ đẻ mình, mình chưa chăm được ngày nào. Toàn tâm toàn ý với nhà chồng, mà tự dưng bố mẹ chồng mình nói vậy. Mình hỏi: “Thế ý bố mẹ giờ con ở đâu?”. Ông bà bảo: “Con phải theo mẹ. Hai thằng T, D lại còn nhỏ nữa, nên chúng nó phải ở với con. Còn con về nhà bố mẹ con, không thì ở ngoài.

Còn nhà này, bố mẹ đang làm thủ tục sang tên cho thằng K rồi. Sang tháng chúng nó về ở”, nàng dâu kể lại.

hình ảnh

(Ảnh minh họa: Sohu)

Trong tình cảnh này, mình ít nhiều hiểu được nỗi uất ức của nàng dâu. 8 năm ở nhà chồng, cô rất đảm đang thu vén, chăm sóc tổ ấm và hiếu thảo, kính trọng bố mẹ chồng. Trong khi đó, vợ chồng người anh của chồng cô lại ít thể hiện trách nhiệm với bố mẹ và ra sống riêng bao lâu nay.

Ấy vậy mà, đến giờ phút này, bố mẹ chồng lại muốn giao nhà cho con trai lớn và tìm cớ đuổi con dâu út ra ngoài cùng 2 đứa cháu nhỏ. Có thể, họ làm điều này vì sợ con dâu sẽ tìm cách chiếm căn nhà, trong khi con trai út của họ đã qua đời. Đến cuối cùng, bố mẹ chồng vẫn xem con dâu như “người dưng”, đề phòng vì sợ bị mất tài sản. Chua chát thật!

“Bao nhiêu cảm giác, căm phẫn, tức giận, ấm ức, tủi nhục. Mình khóc. Mình sống với gia đình này thế là đủ. Mình không còn gì để nói với những người mình gọi là bố mẹ. Thì ra, họ không coi mình là con. Đến cháu ruột, họ còn đối xử như thế. Mình không nói nhiều, không cần giải thích thêm, cũng chả cần tiền của họ, không cần bất thứ một cái gì. Mình cũng không cần gọi cho bố mẹ mình. Chỉ trong vòng 1 tuần, 3 mẹ con mình thu dọn ra ở tạm 1 chung cư mini.

Xong xuôi, bố mẹ đẻ mình mới biết chuyện. Bố mẹ mình có lên tận nhà chồng mình nói chuyện. Cũng chẳng làm to mọi chuyện, chỉ là bố mẹ mình nói, giờ đoạn tuyệt với gia đình bên đấy, cạn tàu ráo máng đến thế là cùng”, mẹ 2 con trải lòng.

Chồng mất, nhà chồng “lật mặt”, người phụ nữ vẫn may mắn vì vẫn còn gia đình dang rộng tay đón về.

“Mình còn 2 đứa con. Chúng cần mình. Mình còn có bố mẹ, có anh trai chị dâu, vẫn dang rộng đôi tay đón mình về. Mình cần phải nghị lực, cần phải sống tiếp. Nuôi hai đứa thành người, nở mày nở mặt với thế giới này. Rằng không cần những con người đấy, mình vẫn sống tốt. Mà rõ ràng là như thế, trước giờ làm dâu, họ đã làm được gì cho mình đâu. Toàn một tay vợ chồng mình vun vén…

Nhưng mình sẽ không dạy hai đứa con ghét bỏ nhà nội nó, không nói xấu ông bà trước mặt các con. Đó là việc của người lớn. Mình chỉ giải thích đơn giản với đứa lớn nhà mình, mẹ con mình chuyển đến nhà mới thôi con ạ. Mà nghe con nói lại, mình lại chực rơi nước mắt: “Thế ông bà ở một mình có sao không mẹ? Ai nấu cơm cho ông bà ăn?”.

Ngày cuối cùng dọn đi, mình có cầm theo di ảnh và bát hương của chồng mình đi cùng. Ông bà kéo lại, bảo, đó là con ông bà, mày không được mang con tao đi. Mình chỉ nhẹ nhàng nói: Đây là chồng con. Con là vợ, con phải thờ chồng. Sau nữa là đến 2 đứa con trai của con thờ bố nó. Chứ ông bà với bác K không phải là người thờ chồng con đâu. Con đi đâu, anh ấy đi đấy.

Ông bà phía sau có chửi… Mình không ngờ những người mình chăm lo còn hơn cả bố mẹ ruột mình, những người đã từng đi khoe mình với cả thiên hạ mình là dâu hiền vợ đảm, giờ có thể thốt ra những lời nói đó.

Thôi. Mình không suy nghĩ gì thêm nữa đâu. Nước mắt không dành cho những con người đó. Có khóc thì cũng để dành cho chồng thôi. Đừng bận tâm nữa. Mạnh mẽ lên nào. Mày đang là mẹ, là bố của hai đứa trẻ con đấy! Cố lên ba mẹ con mình nhé!”, người phụ nữ tâm sự.

Câu chuyện của nàng dâu bị bố mẹ chồng đuổi khỏi nhà sau khi chồng mất đã nhận được sự đồng cảm của nhiều cư dân mạng. Đa số là những bình luận động viên, an ủi người mẹ 2 con cố gắng xốc dậy tinh thần để còn lo cho 2 đứa con nhỏ.

“Chị đã hiếu thảo, sống tử tế tới lúc ra khỏi nhà chồng. Sau này không còn gì phải bận lòng nữa. Thương 3 mẹ con, cố gắng lên nhé”

“Gieo nhân nào gặt quả nấy. Chúc 3 mẹ con sẽ gặp điều tử tế hơn”

“Thương quá, kiểu này là nhà chồng sợ con dâu chiếm tài sản nên kiếm cớ đuổi đi. Đến 2 đứa cháu vừa mất bố mà họ còn không thương”… 

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Trong trường hợp này, nàng dâu gặp nhà chồng quá quắt, vội lật mặt vì sợ bị chiếm tài sản. Tuy nhiên, gần đây mình đọc được câu chuyện lại hoàn toàn trái ngược khi bố mẹ chồng hết lòng yêu thương, ủng hộ con dâu đi thêm bước nữa sau khi chồng mất.

Cụ thể, một nàng dâu ở Phú Thọ được bố mẹ của người chồng quá cố phụ giúp lo liệu cho đám cưới rồi rưng rưng tiễn về nhà chồng mới. Hai người mất đi đứa con trai nhưng vẫn luôn cưng yêu con dâu, thậm chí xem là con gái và giờ đây như thể họ có thêm một “chàng rể” mới. Sự tử tế, lòng yêu thương, bao dung từ bố mẹ của người chồng quá cố khiến cô dâu khóc rất nhiều trong ngày tái hôn.

Tin Liên Quan
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM