Trang chủ » Đời sống
3 Tháng Mười Hai, 2021 1:58 chiều

Những đối tượng nào được ưu tiêm tiêm liều vắc xin Covid-19 mũi 3?

Dưới đây là những đối tượng được ưu tiên tiêm liều bổ sung hoặc tiêm liều nhắc lại vắc xin phòng COVID-19.

Ngày 1/12, Bộ Y tế vừa ra văn bản hướng dẫn tiêm vắc xin Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại gửi Sở Y tế các tỉnh, thành; Viện vệ sinh dịch tễ, Viện Paster; Cục Y tế, Bộ Công an và các đơn vị.

Việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại Việt Nam đã được triển khai từ tháng 3/2021 cho các đối tượng ưu tiên và mở rộng ra đối tượng khác. Đến nay, Bộ Y tế đã tiêm hơn 120 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 cho người trên 18 tuổi. Để tăng cường miễn dịch cho những người đã được tiêm đủ liều cơ bản, Bộ Y tế đề nghị tiêm liều bổ sung cho người từ 18 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm trước cho người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (tiêm 1 hoặc 2 hoặc 3 mũi tùy theo loại vắc xin) có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng.

Những đối tượng này sẽ tiêm bổ sung loại vắc xin cùng loại với liều cơ bản hoặc vắc xin mRNA sau mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày nếu có đủ vắc xin.

Về việc tiêm liều nhắc lại vắc xin Covid-19, Bộ Y tế nêu rõ: Mũi nhắc lại dành cho người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung, ưu tiên người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế.

Khoảng cách tiêm 1 mũi nhắc lại ít nhất 6 tháng sau mũi tiêm cuối cùng của liều cơ bản hoặc bổ sung. Về chọn loại vắc xin phù hợp cho mũi 3, Bộ quy định, nếu các mũi tiêm cơ bản hoặc bổ sung cùng loại vắc xin thì tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vắc xin mRNA. Nếu trước đó đã tiêm các loại vắc xin khác nhau thì tiêm mũi nhắc lại bằng vắc xin mRNA. Nếu tiêm cơ bản hoặc bổ sung vắc xin của hãng Sinopharm thì có thể tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vắc xin mRNA hoặc vắc xin Astrazeneca.

Theo Bộ Y tế, vắc xin Covid-19 được dùng để tiêm bổ sung và nhắc lại là vắc xin đã được Bộ Y tế phê duyệt. Liều lượng vắc xin để tiêm bổ sung và nhắc lại theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất đã được Bộ Y tế cho phép.

Cũng trong ngày 1/12, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện TP đang tạm dừng tiêm 2 lô vắc xin Covid-19 Pfizer 124001 và 123002 cho trẻ em để xin ý kiến Bộ Y tế. Các lô vắc xin khác vẫn được triển khai tiêm bình thường.

Giám đốc một Trung tâm y tế một quận ở Hà Nội cũng xác nhận việc này và cho biết hiện nay quận đã tạm dừng việc tiêm vắc-xin cho trẻ.

Trong khi đó, vào tối 30/11, liên quan thông tin 2 lô vắc xin phòng Covid-19 Pfizer có hạn sử dụng đến ngày 30/11 và được gia hạn thêm 3 tháng, đại diện Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khẳng định, chất lượng các lô vắc xin này an toàn, đảm bảo.

Cụ thể, trước thông tin gia hạn thêm hạn sử dụng 3 tháng cho 2 lô vắc xin Covid-19 Pfizer 124001 và 123002, nhiều người dân lo ngại về việc vắc xin Covid-19 đang sử dụng tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi tại Hà Nội đã hết hạn sử dụng.

Về vấn đề này, GS.TS Phan Trọng Lân- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết, với vắc xin Pfizer từ ngày 22/8 đã được Cơ quan quản lý dược và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) và Cơ quan quản lý dược Châu Âu (EMA) ngày 10/9 thông qua hạn sử dụng từ 6 tháng lên 9 tháng.

Như vậy, 2 lô vắc xin Pfizer 124001 và 123002 nhập về Việt Nam còn hạn sử dụng 3 tháng.

Trao đổi với VietNamNet, đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, khẳng định việc tăng thời hạn sử dụng của vắc xin Pfizer đã được đơn vị cấp phép phê duyệt, có nghĩa đảm bảo độ an toàn và không có sự thay đổi về chất lượng, hiệu quả của vắc xin. Vắc xin này có thể bảo quản ở thời gian dài hơn so với thời hạn trước đây mà không ảnh hưởng tới chất lượng. Vì vậy, như Bộ Y tế khẳng định vào tối 30/11, 2 lô vắc xin 124001 VÀ 123002 của Prizer đảm bảo chất lượng, an toàn.

Xem thêm: Xuất hiện 1 trong 8 triệu chứng này sau khi tiêm vắc xin COVID-19: Cần đến bệnh viện ngay lập tức

Theo hướng dẫn của Bệnh viện Bạch Mai, người tiêm vắc xin tự theo dõi sức khoẻ 28 ngày sau tiêm chủng, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu.

Theo đó, người tiêm chủng theo dõi tại nhà sau khi tiêm, nếu thấy các dấu hiệu sau đây cần liên lạc số điện thoại cấp cứu lưu động: Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến thẳng cơ sở y tế gần nhất.

– Ở miệng thấy có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi;

– Ở da có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da;

– Ở họng có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó;

– Về thần kinh có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì, ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật;

– Về tim mạch có dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất;

– Đường tiêu hóa có dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy;

– Đường hô hấp có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái;

– Toàn thân: Chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường; Đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn; Sốt cao liên tục trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt.

Tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội – ảnh Việt Hùng.

5 điều cần lưu ý

– Luôn có người hỗ trợ bên cạnh 24/24 giờ, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

Không nên uống rượu bia và các chất kích thích ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng.

– Đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng.

– Nếu thấy sưng, đỏ, nổi hạch, nổi cục nhỏ tại ví trí tiêm: Tiếp tục theo dõi, nếu sưng to nhanh thì cần đi khám ngay, không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau.

– Thường xuyên đo thân nhiệt, theo hướng dẫn sau:

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, sau tiêm, thường xuyên đo thân nhiệt, nếu: sốt < 38,5 độ C thì cần cởi bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước; không để nhiễm lạnh; đo lại nhiệt độ sau 30 phút.

Nếu sốt > 38,5 độ C: Sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Nếu không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 tiếng, người dân cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất.

Bộ Y tế khuyến cáo người có dấu hiệu tê quanh môi, lưỡi, họng bị ngứa, căng cứng, nghẹn, khó nói sau khi tiêm vaccine COVID-19 trong thời gian theo dõi là biểu hiện bạn cần liên hệ với đội cấp cứu lưu động hoặc đến thẳng bệnh viện.

Tin Liên Quan
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM