Trang chủ » Đời sống
4 Tháng Sáu, 2021 1:02 chiều

“Hòa thượng trăng hoa” 8 năm giúp hơn 300 thai phụ sinh nở thuận lợi, bị xóa tên và khai trừ khỏi chùa

Việc làm của vị hòa thượng này cuối cùng cũng đã được mọi người ghi nhận.


Tăng nhân Huệ Năng thời Đường từng viết trong cuốn “Bồ Đề Yết” như sau: “Bồ đề bản vô thụ, minh kính diệc phi đài. Phật tính thường thanh tịnh, hà xứ hữu trần ai!” (Dịch nghĩa: Thân là gốc bồ đề, tâm sáng tựa gương. Phật tính thanh tịnh, nào có bụi trần!) thể hiện rằng Phật tính thanh tịnh, trong sáng, người có Phật tính thì trong lòng sẽ không có tạp niệm.

Nhưng trong xã hội ngày nay, con người rất khó có thể thực sự đạt đến trình độ tâm không tạp niệm, nhưng Đạo Lộc lại dùng chính cách riêng của bản thân để đạt tới cảnh giới tâm không tạp niệm.

Từ một phú thương đi làm hòa thượng

Đạo Lộc tên gốc là Ngô Binh, sinh năm 1973 tại thị trấn Nam Thông tỉnh Giang Tô. Nhờ sự nỗ lực cố gắng của bản thân, Ngô Binh đã trở thành người giàu có một phương.

Năm 1999, vì hôn nhân gia tộc, Ngô Binh kết hôn với một người trong họ. Bởi vì lo lắng kết hôn cận huyết sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của đứa bé nên cả hai vợ chồng đều không có ý muốn sinh con.

Nhưng khi tuổi ngày một cao, bạn bè người thân xung quanh lần lượt sinh con đẻ cái, Ngô Binh cũng nảy sinh mong ước có được một đứa con. Vì để cầu mong cho con sinh ra được khỏe mạnh bình an, Ngô Binh đã đến chùa miếu để cầu bình an, trước mặt Phật Tổ, Ngô Binh lập lời thề, nếu con mình sinh ra bình an khỏe mạnh thì đến năm 50 tuổi ông sẽ xuống tóc đi tu, nương nhờ cửa Phật.

Không bao lâu sau, vợ Ngô Binh có thai, trong thời gian vợ mình mang thai, Ngô Binh thường xuyên làm việc thiện tích đức cho con. Thời gian trôi qua, vợ Ngô Binh sinh hạ một bé gái, sau khi được bác sĩ kiểm tra kỹ càng, xác định đứa trẻ hoàn toàn khỏe mạnh. Điều này khiến người nhà họ Ngô cảm thấy nhẹ nhõm.

Sau khi có con gái, việc kinh doanh của Ngô Binh ngày một phát triển hơn, một nhà ba người trải qua cuộc sống sung túc. Nhưng bởi vì Ngô Binh quá bận rộn, không có thời gian để chăm sóc vợ con, khiến tình cảm hai vợ chồng rạn nứt, cuối cùng người vợ quyết định ly hôn.

Sau đó, Ngô Binh cũng từng kết hôn lần nữa nhưng kết cục vẫn không được dài lâu. Dù có tiền bạc giàu sang, nhưng lại không có người thân bầu bạn, khiến Ngô Binh thường than thở cuộc sống vô thường.

Khi thấy rõ thế gian ấm lạnh, vào năm 37 tuổi Ngô Binh từ bỏ việc kinh doanh, xin được vào chùa Phổ Hiền ở Nam Thông xuống tóc đi tu, chọn cho mình pháp danh là “Đạo Lộc”. Từ đó về sau, chuyện thế tục không còn liên quan đến ông nữa.

Trong chùa Phổ Hiền, mỗi ngày Đạo Lộc theo sư phụ ăn chay niệm Phật, cùng các sư huynh đệ quét dọn chùa miếu, mỗi ngày đều trôi qua rất bình yên. Trước khi đi tu, bởi vì làm kinh doanh nên mỗi ngày Đạo Lộc đều tiếp xúc với đủ loại người, tiệc tùng ăn uống khiến bản thân vô cùng mệt mỏi, bây giờ tu hành trong chùa, cuộc sống mỗi ngày đều trôi qua yên ả là điều mà ông chưa từng trải qua bao giờ.

Đạo Lộc khoác trên người pháp phục màu trắng, khuôn mặt hiền lành, nói năng khiêm tốn, chỉ lẳng lặng làm việc của mình. Hình ảnh đó khiến người ta không thể nào liên tưởng đến một Ngô Binh lăn lộn khắp chốn thương trường trong quá khứ. Mỗi hành động lời nói của Đạo Lộc bây giờ đều toát lên quan niệm “sắc tức thị không, không tức thị sắc” của cửa Phật.

Hành động thiện chí khiến người ta không lí giải được

Trong chùa Phổ Hiền có bài vị chuyên dành để siêu độ cho những em bé mất do sảy thai, nạo phá thai. Đứng trước những bài vị này, người ta thường sám hối những sai lầm của mình, hi vọng đứa con chưa kịp chào đời của mình có thể đến được nơi cực lạc.

Mỗi lần Đạo Lộc chứng kiến cảnh tượng ấy, đều sẽ bất giác nhớ về cô con gái đã may mắn được chào đời của mình, khiến trong lòng bao cảm xúc không yên.

Một chiều hoàng hôn nọ, khi khách dâng hương lần lượt ra về, Đạo Lộc cũng đang chuẩn bị để đóng cửa chùa. Bất ngờ nhìn thấy một người phụ nữ, cô đang quỳ sám hối trước bài vị siêu độ cho trẻ sơ sinh.

Đạo Lộc bước đến nhắc nhở người phụ nữ, rằng đã đến giờ chùa phải đóng cửa, khuyên cô nên quay trở về. Người phụ nữ quay đầu nhìn Đạo Lộc, khuôn mặt chứa đầy lo lắng. Đạo Lộc thấy vẻ mặt của người phụ nữ liền hỏi cô có chuyện gì đã xảy ra.

Thì ra người phụ nữ này gặp phải một gã đàn ông tệ bạc, không có trách nhiệm, khi cô ấy mang thai thì gã bỏ đi mất. Bản thân cô không học hành gì, gia đình nhà mẹ đẻ lại không thể nhờ cậy được, thu nhập ít ỏi, chỉ dựa vào mình cô muốn nuôi hai miệng ăn e rằng không thể được. Hết cách, người phụ nữ chỉ đành chọn cách phá thai. Người phụ nữ sau khi phá thai xong thì trong lòng hổ thẹn, muốn đến chùa Phổ Hiền để xin xá tội, cầu xin chút an ủi để làm giảm bớt tội lỗi trong lòng.

Sau khi nghe xong tình cảnh của người phụ nữ, Đạo Lộc lại lần nữa nhớ đến cô con gái đã khỏe mạnh bình an chào đời của mình, cho nên quyết định giúp đỡ người phụ nữ yếu đuối này.

Đạo Lộc nói có thể giúp cô tìm một công việc, nên cô hãy bớt đau buồn. Người phụ nữ nghe xong vội vã cảm ơn, nói sau này nhất định sẽ báo đáp gấp bội.

Đêm ấy, Đạo Lộc nằm trên giường nghĩ lại những chuyện đã xảy ra lúc hoàng hôn, ông biết rằng những người phụ nữ gặp phải cảnh ngộ như vậy không hề ít, có những người phụ nữ vì nghèo túng hoặc vì thể chất của bản thân mà mất con, bản thân trong cửa Phật cũng đã học được tư tưởng từ bi. Cho nên, Đạo Lộc bỗng nảy ra ý nghĩ khiến người khác phải nể phục – ông quyết định sẽ lan tỏa lòng từ bi mà mình lĩnh ngộ được, dùng hết sức mình để giúp đỡ những người phụ nữ có số phận khó khăn.

Đầu tiên, Đạo Lộc đăng một bài viết lên mạng, bày tỏ bản thân sẵn sàng giúp đỡ những người phụ nữ có ý muốn phá thai. Sau khi bài viết được đăng lên, mấy ngày sau đã có những thông điệp xin giúp đỡ được gửi đến.

Đạo Lộc đưa những người phụ nữ này đến an thai tại biệt thự của mình khi trước, đưa họ đi khám thai, kiểm tra, cung cấp cho họ nhu yếu phẩm. Cứ thế, những đứa trẻ vỗn chẳng có cơ hội được nhìn thấy thế giới đã ra đời.

Sau khi đứa trẻ được sinh ra, Đạo Lộc cũng giúp đỡ chăm sóc một thời gian. Nhưng có câu “Cho cá chẳng bằng tặng cần câu”, đợi đến khi người mẹ hồi phục thể lực và sức khỏe, Đạo Lộc giới thiệu việc làm cho những người phụ nữ tạm thời chưa tìm được việc làm. Cho dù trước đây những người phụ nữ này có quá khứ ra sao, trong mắt Đạo Lộc họ đều bình đẳng như nhau.

Có người vì thấy Đạo Lộc quá bận rộn, không thể cùng lúc chăm sóc nhiều người, cho nên đôi khi cũng giúp đỡ ông. Nhưng phần lớn thời gian, những điều ông nhận được chỉ là sự nghi ngờ và phán xét.

Những người nghi ngờ sẽ nói, ông thân là hòa thượng, phải thanh tâm quả dục, trong lòng có giới luật, sao có thể suốt ngày chung đụng với phụ nữ mang thai như vậy? Còn người phán xét thì nói, Đạo Lộc cùng những thai phụ này có quan hệ, có lẽ là cha của bọn trẻ này.

Lâu dần, Đạo Lộc còn bị gắn mác là “Hoa hòa thượng” (Hòa thượng trăng hoa).

Sự việc này khiến trụ trì của chùa vô cùng tức giận, yêu cầu Đạo Lộc không được như vậy nữa. Nhưng Đạo Lộc lại cho rằng dù người đời không hiểu hành động của ông nhưng Phật Tổ chắc chắn sẽ rõ tấm lòng của ông, cho nên ông vẫn tiếp tục kiên trì làm việc của mình, kết cục bị gạch tên khỏi chùa Phổ Hiền.

Lòng bác ái rồi cũng sẽ có kết cục có hậu

Công bằng ở trong lòng người, Đạo Lộc sau khi bị chùa gạch tên vẫn không hề từ bỏ con đường hành thiện của mình. Ông đổi tên biệt thự thành “Tiểu cư hộ sinh”, đem vốn tích lũy trước đây của mình giúp đỡ những bà mẹ đơn thân tiền thuốc men, giúp những đứa trẻ tiền bỉm sữa.

Ở đó, Đạo Lộc cùng những bà mẹ đơn thân ký một thỏa thuận, những đứa trẻ được nhờ Đạo Lộc nuôi dưỡng, ông sẽ chăm sóc cho đến đến khi thành niên, về sau mẹ con nhất định phải nhận lại nhau.

Từ năm 2012 đến tháng 8 năm 2020, Đạo Lộc đã giúp đỡ hơn 300 bà mẹ đơn thân sinh con, nuôi dưỡng hơn 20 đứa trẻ từ khi còn nằm nôi đến tận khi học tập nên người.

Những việc làm thầm lặng của ông dần được báo đài biết đến, còn những người đã từng nghi ngờ phán xét ông lại dần biến mất, càng ngày càng có nhiều những nhà hảo tâm cùng nhau đóng góp cho “Tiểu cư hộ sinh” của Đạo Lộc.

Hơn thế, những người phụ nữ và trẻ em đã từng được Đạo Lộc giúp đỡ cũng thường quay về làm tình nguyện, giúp đỡ cho “Tiểu cư hộ sinh”.

Đạo Lộc khác với những vị hòa thượng chỉ biết ngồi niệm kinh trong chùa, ông đã dung hòa giữa tri thức và hành động, hành động của ông mới thực sự phát huy, lan tỏa lòng từ bi của Phật gia.

Cùng với sự phát triển của thời đại, mối quan hệ giữa người với người ngày một xa cách, con người ta đã quen lừa dối lẫn nhau, nghi ngờ lòng thiện tâm của những người tốt bụng.

Nhưng Đạo Lộc lại dùng chính hành động của mình để dẫn lối cho những trái tim u mê ấy, khiến chúng ta cảm nhận được tình người vẫn còn, giúp cõi lòng bản thân có được sự an yên chân chính.

>> Xem thêm: Một tuần sau vụ đột kích phát hiện hơn 1.000 thai nhi trong tủ lạnh: Chủ nhà cho nhóm thanh niên thuê trọ nói gì?

Tin Liên Quan
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM